Nét độc đáo lễ hội Gầu Tào của người H’Mông

0
1686

Lễ hội Gầu Tào thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người dân tộc H’Mông. Là dịp để cúng tạ Trời Đất, thần linh phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng…

Vài nét về lễ hội Gầu Tào

Gầu Tào theo tiếng mông có nghĩa là “địa điểm chơi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức.

Theo thông tin du lịch từ Xuyenviet.net lễ hội Gầu Tào được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền – mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp.

Nét văn hóa độc đáo trong lễ hội Gầu tào của người Mông
Nét văn hóa độc đáo trong lễ hội Gầu tào của người Mông

Đồi Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Nghi thức diễn ra Lễ hội Gầu Tào

Để tổ chức lễ hội Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ (Trứ Tào) giúp chủ trì lễ hội và một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào), đều phải là những người có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả; cùng với hai thanh niên, nam nữ, giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào.

Nếu như ở lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng hay lễ hội Gầu Tào của người Mông, phần hội tương đối đậm nét thì với lễ hội cấp sắc của người Dao tập trung chủ yếu vào các nghi lễ, vì thế phần hội có phần mờ nhạt.

Lễ hội Gầu tào được xem là sự kiện du lịch hấp dẫn của đồng bào Mông Tây Bắc. Được người Mông tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, nhưng việc chuẩn bị phải được tiến hành từ cuối tháng Chạp với nghi lễ chặt tre và dựng cây nêu.

Nghi thức diễn ra trong lễ hội Gầu Tào người H'Mông
Nghi thức diễn ra trong lễ hội Gầu Tào người H’Mông

Điều gây sự chú ý ở đây là trung tâm của Lễ hội Gầu tào là cây nêu. Cây nêu được chọn từ cây tre, gọi theo tiếng Mông là “Sung lùng trử”, vốn là từ gốc Hán, có nghĩa là cây Long Thượng, gồm một cây cao khoảng 10 – 12 m, đường kính gốc khoảng 20 cm, gọi là “dìn sê” và một cây thấp hơn (khoảng 7 – 8 m), đường kính gốc khoảng 6 – 7 cm gọi là “dìn sông”. Cây nêu phải thẳng đứng, gióng đều, vỏ xanh bóng, ngọn cây vươn về phía mặt trời mọc. Nghi lễ chặt tre diễn ra tại gốc cây tre được chọn.

Chủ lễ hội Gầu Tào thắp một bó hương, đặt một sấp tiền mã ở gốc tre, rồi xòe ô che đầu, đi vòng quanh cây nêu ngược chiều kim đồng hồ (những người khác đi theo chủ lễ thành vòng tròn). Chủ lễ vừa đi, vừa hát bài hát chặt cây nêu. Cứ được một vòng, chủ lễ lại vung dao chém nhẹ vào gốc cây một nhát làm lý.

Hết bài hát, người ta chặt cây tre sao cho phải đổ về phía mặt trời mọc và không được để cho cây tre đổ hẳn xuống đất, vì vậy, sẽ phải có vài thanh niên đỡ cây tre lên vai. Người ta tỉa cành tre chỉ còn lại thân tre nhẵn nhụi. Trên ngọn tre, để nguyên cành lá, không tỉa.